Bánh mướt – Món ăn gây thương nhớ của Nghệ An

Nói đến ẩm thực xứ Nghệ không thể không nhắc tới món bánh mướt, đây là món ăn đặc sản, đồng thời cũng là món ăn dân giã truyền thống của người dân vùng Bắc Trung bộ, đặc biệt là vùng quê xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh). Bánh mướt là món ăn gây thương nhớ đối với những người con xứ Nghệ xa quê.

Bên cạnh thương hiệu cam Vinh, hay những món chế biến từ lươn và các món ăn nổi tiếng khác, bánh mướt là một đặc sản của Nghệ An. Với người địa phương, đây cũng chính là thức ăn sáng quen thuộc trước khi bắt đầu ngày mới. Cùng chúng tôi tìm hiểu món ăn độc đáo của xứ Nghệ này qua bài viết dưới đây.

Món bánh mướt Nghệ An

Bánh mướt Nghệ An dài bằng ngón tay trỏ, bao gồm lớp bột cuộn tròn, mềm mịn, trắng trong. Thành phần và cách làm món ăn này thoạt nhìn trông tương tự như cách làm bánh cuốn của miền Bắc hay bánh ướt của miền Nam, không quá cầu kì nhưng đòi hỏi sự chỉn chu trong từng công đoạn. Gạo tẻ ngâm cho mềm rồi mới đem xay thành bột nước, sau đó ngâm thêm từ 3 đến 6 tiếng nữa mới đủ “độ chín”.

Sau khi nhóm bếp, đun nước, người dân sẽ chắt lấy nước cốt của chậu bột ngâm hôm trước để tráng bánh. Nồi tráng phải có một lớp vải mịn căng ở bên trên. Lửa thật to, đợi khi phần nước sôi, hơi nước bốc lên đủ nhiều, đầu bếp mới dùng muôi, múc từng muôi bột trải mỏng lên trên rồi đậy vung lại, đợi một lúc.

Bánh mướt Nghệ An
Bánh mướt Nghệ An nhìn hơi giống với bánh cuốn miền Bắc

Khi bánh chín, dùng đũa nhấc chúng ra rồi khéo léo cuộn tròn lại. Cuộn tới đâu, người bán sẽ phết lên lớp hành phi mỡ vàng ruộm làm dậy lên mùi thơm nức mũi, khiến thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị rất riêng biệt của mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió.

Món ăn được chế biến công phu

Cách làm bánh mướt không cần nhiều cầu kì nhưng cần lắm sự công phu. Gạo tẻ phải được ngâm mềm rồi vớt ra đem xay thành bột nước. Bột xay xong phải để lắng trong nhiều giờ nữa mới nổi lửa tráng.

Bếp tráng bánh bao giờ cũng phải đủ nhiệt, để nước trong nồi luôn sôi. Một chút bột nước rưới lên khung vải, cán đều cho mỏng tang, đậy vung lại và chờ đợi trong chốc lát. Dùng cái đũa bếp nhấc bánh đặt lên cái rá sạch úp ngược hay mành mành rồi bắt đầu cuốn. Sau cùng là đặt bánh ngay ngắn thành từng lớp trong cái thúng, cái mẹt.

Tùy theo sự khéo léo mà đầu bếp sẽ quyết định được độ mỏng hay dày của từng chiếc bánh. Những miếng bánh chín nhờ sức nóng của hơi nước được kéo ra, rồi ngay lập tức, người ta sẽ cuộn tròn và xếp vào cái thúng đã lót sẵn lá chuối.

Cách thưởng thức món bánh mướt

Bánh mướt Nghệ An có nhiều loại khác nhau nhưng nổi tiếng hơn cả là bánh mướt giò và bánh mướt ram (chả cuốn hay chả nem). Sau khi cuộn bánh, người ta sẽ rắc lên phía trên một lớp hành phi thơm giòn, dậy mùi. Khi thưởng thức, bạn có thể ăn kèm với giò thái nhỏ hoặc những thanh ram chiên giòn. Sau đó, chấm bánh với nước mắm ớt. Để các hương vị được hòa quyện, trộn lẫn hoàn hảo với nhau.

Món bánh mướt
Thưởng thức món bánh mướt Nghệ An chuẩn vị

Bánh mướt có thể kết hợp ăn kèm cùng với đủ món như xáo gà, xáo lòng, lòng nóng, súp lươn, chả cuốn (hay còn gọi chả nem, ram). Ngoài ra, bạn còn có thể chấm bánh mướt vào bát bò hầm, xáo vịt hay ăn với giò lụa…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chọn cách cắt nhỏ từng chiếc bánh. Sau đó bỏ vào bát xáo lòng lớn để nhâm nhi. Mùi thơm hấp dẫn từ bánh mướt. Hòa quyện cùng vị béo ngậy, nóng hổi của bát xáo lòng. Chắc hẳn sẽ khiến trải nghiệm ẩm thực của bạn trở nên đặc biệt vô cùng.

Tuy không phải món ăn quá cao sang đắt đỏ, bánh mướt vẫn luôn là một niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Nghệ. Bởi khi nhắc đến món ăn này, mỗi người xa xứ đều không khỏi xuýt xoa, bồi hồi. Gánh bánh mướt từ lâu đã trở thành kỉ niệm tuổi thơ quý giá. Đây là một phần không thể thiếu của ẩm thực vùng đất Nghệ An.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *