Dụng cụ nhà bếp là công cụ quan trọng giúp bà nội trợ chế biến nên những món ăn cho bữa ăn gia đình. Tùy theo công dụng mà mỗi loại dụng cụ được làm với chất liệu và kích thước khác nhau. Đồ dùng nhôm, inox sẽ có cách bảo quản và sử dụng khác hẳn đồ dùng gỗ hay thủy tinh. Do đó để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ của đồ dùng nhà bếp, bà nội trợ nên phân loại chúng thành những nhóm chất liệu khác nhau và có biện pháp bảo quản riêng biệt. Chất lượng đồ dùng nhà bếp tốt sẽ giúp căn bếp của bạn chuyên nghiệp hơn, bà nội trợ có cảm hứng nấu ăn ngon hơn.
Dụng cụ nhà bếp có vai trò quan trọng
Trong nấu nướng, dụng cụ nhà bếp có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian cũng như thói quen nấu nướng của người nội trợ. Sử dụng những dụng cụ nhà bếp thông minh góp phần tiết kiệm thời gian, công sức vào bếp. Không những vậy, còn giúp người nội trợ chế biến ra những món ăn ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh.
Khi nấu nướng không thể thiếu những đồ dùng trong nhà bếp. Những dụng cụ thường ngày trong bếp ta vẫn hay sử dụng như dao, thớt, xoong nồi,… nếu không được bảo quản đúng cách sẽ rất mau hư, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng món ăn. Bảo quản dụng cụ làm bếp như thế nào là đúng cách và an toàn? Đó là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, nhất là đối với những người nội trợ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mẹo bảo quản đồ dùng nhà bếp theo từng chất liệu
Đồ dùng bằng nhôm, gang
Với những vật dụng này bạn nên sử dụng cẩn thận vì chúng rất dễ rạn nứt, móp méo nếu bị va chạm mạnh. Bạn không nên để chúng ẩm ướt. Không đánh bóng bằng giấy nhám, chỉ nên dùng đồ chùi nhôm để chà sạch và rửa kĩ lại bằng nước rửa chén. Ngoài ra, bạn không nên dùng bột giặt có nhiều chất kiềm và muối hoặc chất tẩy vì rất dể làm thủng đồ nhôm, rỉ sét nồi gang.
Bạn không nên chứa thức ăn cho nhiều chất muối, acid… lâu ngày bằng nhôm hoặc bằng gang. Chỉ nêm muối vào thức ăn sau khi nấu xong. Nên bảo quản đồ dùng nhôm và gần nơi khô ráo khi không sử dụng.
Đồ dùng chất liệu inox
Để những đồ dùng này được lâu bền, bạn nên tham khảo những cách bảo quản sau: Không đun lửa to vì dễ bị ố vàng. Tránh va chạm với những dụng cụ bằng chất liệu sẽ tạo tì vết. Chỉ nên dùng đũa hoặc đồ dùng bằng gỗ xào nấu thức ăn. Đồ cứng sẽ làm trầy xước mặt xoong, nồi,… khó giữ sạch sẽ. Nên rửa bằng nước ấm, có nước rửa chén, xong lau khô lại bằng khăn mềm.
Đồ dùng bằng gỗ
Những đồ dùng này bạn không nên ngâm nước. Khi sử dụng xong nên rửa với nước rửa chén thật sạch, đem phơi gió cho khô ráo, tránh phơi ngoài nắng hoặc hơ trên lửa.
Ngoài ra, đối với thớt nhựa bạn chỉ nên sử dụng để thái các loại thức ăn đã chế biến hoặc thức ăn khô. Đối với thớt gỗ nên ngâm thớt trong nước muối (tỷ lệ 200g muối : 1 lít nước) trong vào 24 giờ ngay sau khi mua về, sau đó mang đi phơi khô. Sau khi sử dụng xong cần rửa thớt bằng một ít nước rửa bát kèm chanh tươi hoặc muối hột. Rồi lau khô và treo ở nơi khô ráo để thớt không bị ẩm, bí mùi.
Đồ dùng bằng thủy tinh, đồ tráng men
Với đồ bằng thủy tinh, tráng men nên sử dụng cẩn thận vì chúng rất dễ vỡ, tróc lớp men. Chỉ nên đun lửa nhỏ. Với đồ thủy tinh không chịu nhiệt cần tránh xa ngọn lửa. Chỉ nên dùng đũa hoặc muỗng bằng gỗ xào nấu thức ăn, tránh dùng muỗng nhôm. Sử dụng xong phải rửa thật sạch bằng nước rửa chén, để ráo. Nên nhớ, không nên đun nóng nồi tráng men khi không có thức ăn trong nồi vì có thể sẽ bị rạn nứt.
Đồ dùng nhà bếp bằng nhựa
Với đồ nhựa chắc chắn không nên để gần lửa dễ gây cháy. Không dùng để đựng, chứa thức ăn có nhiều dầu mỡ, và những thức ăn đang nóng, sôi,… Khi sử dụng xong nên rửa với nước rửa chén thật sạch, đem phơi gió cho khô ráo, tránh phơi ngoài nắng hoặc hơ trên lửa.
Khi đồ dùng nhựa bị bẩn để dễ dàng làm sạch và khử mùi, ngay sau khi dùng xong, bạn nên rửa đồ nhựa bằng nước xà phòng ấm (ấm không phải nước nóng). Lấy miếng bọt biển thấm xà phòng ấm chà lên đồ dùng, sau đó rửa lại với nước sạch, đồ dùng sẽ sạch đẹp, không còn vết bẩn.