Chuột đồng nướng lu – Món ngon nhất định phải thử nếu có dịp ghé miền Tây

Chuột đồng nướng lu - Món ngon nhất định phải thử nếu có dịp ghé miền Tây

Chuột đồng là nguyên liệu thân thuộc và dân dã ở miền Tây sông nước, đặc biệt là sau mỗi trận gặt lúa xong thì món chuột đồng trở thành đặc sản không thể thiếu. Chuột đồng nướng lu là món ăn nổi tiếng và vô cùng hấp dẫn, nhiều người không biết thì cho rằng món này không ngon vì từ xưa đến nay ít ai sử dụng thịt chuột để làm thực phẩm ăn uống. Tuy nhiên, mấy ai biết rằng món thịt chuột đồng nướng lu vô cùng hấp dẫn và chắc chắn bạn không nên bỏ qua nếu muốn tìm hiểu và thưởng thức nền ẩm thực miền Tây, tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để tìm hiểu thêm về món chuột nướng này nhé!

Chuột đồng nướng lu là đặc sản quen thuộc sau mùa gặt

Nếu như nhiều thực khách đến miền Tây thường “lắc đầu lè lưỡi” không dám thử khi được giới thiệu về món chuột đồng nướng lu. Thì với người dân bản địa, đây chính là món đặc sản nổi tiếng. Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng bày  bán thịt chuột đồng. Ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc. Thì món chuột đồng nướng lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Và thường chỉ có vào mùa gặt.

Chuột đồng nướng lu là đặc sản nổi tiếng miền Tây
Thịt chuột đồng nướng lu vô cùng thơm và béo, gần gũi với người miền Tây

Thực tế chuột đồng rất sạch, bởi chúng chuyên ăn lúa gạo, vì thế không mang nhiều vi khuẩn. Người dân sau mùa gặt dùng bẫy hoặc giăng lưới, đốt rơm hum khói để bắt chuột đồng. Có người sau một ngày lao động, cả nhóm thui luôn chuột giữa đồng rồi ngồi nhậu lai rai. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng, ngon tuyệt.

Chuột đồng nướng lu là món dân dã hấp dẫn

Tuy nhiên, nhiều người lại chế biến theo cách cầu kỳ hơn là nướng lu. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp. Chúng được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm. Sau đó móc từng con vào lu. Người chế biến phải rất khéo, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị. Để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm. Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp. Nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10, cũng là mùa nước nổi.

Chuột đồng nướng lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng. Món ăn khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo… Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận lớp da giòn tan, thịt thơm và mềm. Bạn sẽ quên mất cảm giác ghê ghê, chỉ còn vị ngọt cứ tan dần trong huyết quản.

Chuột nướng thì ướp tỏi sả, muối đường, bột ngọt, rồi thêm mật ong vào cho thơm. Ướp càng đơn giản vậy mà càng ngon, giữ được hương vị đồng quê nhất của món ăn. Đốt lửa than riu riu rồi để lên nướng, món chuột nướng này thì phải ăn kèm chuối chát với khế chua ăn, mới đúng bài.

Chuột nướng thì ướp tỏi sả, muối đường, bột ngọt, rồi thêm mật ong vào cho thơm
Món chuột đồng nướng lu được tẩm ướp gia vị công phu để giúp thịt chuột thơm và ngon nhất

Chuột đồng khìa nước dừa miền Tây

Bên cạnh chuột đồng nướng lu thơm ngon thì người ta còn thích món chuột khìa nước dừa. Muốn ăn được con chuột ngon cũng cần phải công phu lắm chứ không phải giỡn. Đi chợ từ sớm, tìm những người bán có cái lồng chuột nhỏ nhỏ, xinh xinh. Trong lồng khoảng chừng 2- 3 kg chuột, có con bự con nhỏ, đủ kích cỡ thì mới chánh hiệu là chuột đồng.

Còn thấy bán đại trà cái lồng chuột chà bá. Chuột con nào con nấy ú nu đều tăm tắp cùng một cỡ là biết chuột ở đâu không? Campuchia chuyển về đó. Nghe mấy chị ngoài chợ đồn là bên Campuchia người ta nuôi nên con nào con nấy mập lù, ăn ngán miệng lắm. Mà mấy chị nói cũng đúng, tôi đi làm hay thấy trên cửa khẩu Thường Phước (giáp Campuchia) dập dìu từng xe, từng xe chở chuột về chỗ tập kết. Sau đó chuột mới được phân phát ra mọi nơi… Chuột khìa thì lại càng đơn giản, sấy tỏi lên cho thơm rồi bỏ chuột vào ướp tí muối, bột ngọt, tí đường. Vì khìa với nước dừa cũng ngon ngọt lắm rồi. Đốt lửa riu riu cho chuột thấm từ từ, đến khi kẹo lại là được.

Phần không thể thiếu khi ăn hai món chuột đồng chắc là rượu chuối hột nhà nó tự ngâm. Chuối chín ép dẹp ra, rồi phơi cho ráo ráo, đem đi nướng sơ rồi mới ngâm. Vừa ngồi ăn vừa nhìn khung cảnh vùng quê yên bình, nó đẹp làm sao, đồng lúa mênh mông, dòng nước xanh trong, mới thấy cái hồn quê dân dã thiệt là thân thương biết mấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *